TT. Thích Thanh Quyết: ‘Thầy Thái Minh tính rất lạ’ – Tintuc24

0
9







MGID s

[ad_1]

Tiền đối với nhà chùa chỉ là phương tiện

Những ngày qua, câu chuyện về chùa Ba Vàng đã khiến dư luận rất xôn xao. Với tư cách là Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Thượng toạ có gọi Đại đức Thích Trúc Thái Minh yêu cầu trình bày sự việc không?

– Thực ra tôi cũng không đọc nhiều báo lắm đâu. Thời gian này tôi giảng dạy ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội, nhưng là người quản lý Phật giáo ở tỉnh Quảng Ninh nên cũng được thông báo tình hình, tôi cũng nắm được.

Thầy Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng mời trân trọng trụ trì chùa Ba Vàng – thầy Thích Trúc Thái Minh để làm việc nhưng mỗi người có quan điểm cá nhân riêng. Chuyển biến hay không còn phụ thuộc vào nhận thức nữa.

 Thượng toạ Thích Thanh Quyết.

Theo giáo lý của Phật giáo, hoạt động thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ được hiểu như thế nào thưa Thượng toạ? Gọi vong mà vong hiện lên đòi tiền có đúng không thưa Thượng toạ?

– Trên thực tế thỉnh vong chính là cúng vong thôi. Cúng vong là một trong những nghi thức quan trọng của Phật giáo, trong Phật giáo có tiếp linh và triệu linh. Linh là vong mà. Chùa nào cũng có ban vong cả. Hàng ngày chúng tôi đều có cúng cháo, tức là cúng vong, cúng cho chúng sinh – những người không nơi nương tựa, chết oan uổng ngoài đường ngoài chợ không có người cứu vớt, không ai thờ cúng. Nhà Phật phải làm việc đó.

Còn sự việc ở chùa Ba Vàng tôi chưa thể nói gì được, còn phải chờ kết luận từ nhiều phía.

Vào chùa mà bất cứ cái gì cũng được nhà chùa quy ra tiền thế, sư lúc nào cũng gần tiền như thế có giống với chốn tu hành không thưa Thượng toạ?

– Thực ra, đối với nhà sư mà nói, tiền cũng chỉ là phương tiện để mình hành đạo. Nếu không có phương tiện, thì không ai hành được đạo. Đi ra ngoài đường chỉ cần đi xe buýt thôi, một chức sắc Phật giáo hay chức sắc Thiên chúa giáo cũng chỉ mất vài nghìn đồng, nhưng cũng phải bỏ tiền ra mua vé chứ. Lúc đó ông lái xe buýt ông có bảo tuỳ tâm đâu, không có tiền sẽ phải xin, mà lúc nào cũng có thể xin được đâu.

Nhà chùa đi ra ngoài chợ mua mớ rau, bìa đậu, người bán hàng có nói tuỳ tâm đâu. Nếu như cả thế gian này hiểu được các chức sắc tôn giáo đi đâu cũng không phải mất tiền thì nó khác. Cho nên tôi nghĩ nên nhìn mọi việc dưới nhiều góc độ, tôi xin nhắc lại, tiền với nhà chùa cũng chỉ là phương tiện, mình dùng phương tiện đó như thế nào mà thôi.

Với trường hợp của bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng, một Phật tử bình thường nhưng ngồi giảng đạo trong chùa, lại có những bài giảng lệch đạo, ai sẽ chịu trách nhiệm việc này thưa Thượng toạ?

– Thực chất ra mà nói, người trụ trì sẽ chịu trách nhiệm toàn diện. Chưa có quy định nào nói rằng phật tử không được giảng kinh Phật cả nhưng phải giảng đúng, không xuyên tạc. Cả các chức sắc tôn giáo nói kinh của nhà Phật, Thánh, Chúa mà xuyên tạc thì đều không được phép. Phật tử giảng kinh Phật thì được, nhưng xuyên tạc, nói lái theo ý hiểu của mình, ý cá nhân của mình là không cho phép.

Kinh Phật thì nhiều nghĩa, đã tồn tại tới bây giờ rồi, dù nhiều nghĩa cũng chỉ là những ý nghĩa tích cực có lợi ích cho chúng sinh chứ không có chuyện cá nhân. Còn Phật tử vào chùa giảng không đúng, trách nhiệm của người trụ trì là phải nhắc nhở.

Bản thân người với người thôi, ngay như tôi ngồi nói chuyện với cô, cô về lại viết ra ý khác đã là không được rồi huống hồ là giảng sai các lời răn dạy của các bậc tiên thánh hiền triết. Ngoắt ngoéo theo ý cá nhân thì làm sao có thể chấp nhận được. Đây bị quy về ý thức cá nhân. Luật pháp có thể có cái quy định được, có cái chưa nhưng tất cả phải xuất phát từ phạm trù đạo đức mà ra mới giải quyết được nhiều thứ.

Cho nên trách nhiệm của trụ trì là chính nhất.

Trụ trì chùa Ba Vàng hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để bà Phạm Thị Yến có những bài giảng pháp không đúng với giáo lý nhà Phật.

‘Thầy Thái Minh tính rất lạ’

Quy trình bổ nhiệm hay truất chức danh trụ trì của một thầy nào đó vi phạm Hiến chương của GHPGVN sẽ như thế nào, trường hợp như sư trụ trì ở chùa Ba Vàng thì sẽ như thế nào thưa Thượng toạ?

– Tôi đã nói rồi, tôi mới được thông báo và nhìn sự việc dưới góc độ của tôi. Còn sự việc như thế nào tôi chưa thể đưa ra được ý kiến chính thức. Vì chưa tìm hiểu hết, kỹ mọi việc nên chưa thể quy chiếu được với Hiến chương của GHPGVN.

Thật ra quy trình bổ nhiệm một trụ trì chùa nào đó đầu tiên phải là nhân dân địa phương đó thỉnh mời, sau đó nếu chính quyền ủng hộ nguyện vọng của nhân dân, thấy nguyện vọng đó là chính đáng thì Giáo hội mới bổ nhiệm trên tinh thần niềm tin của nhân dân và đồng thuận của chính quyền.

Nhưng nếu một sư trụ trì phạm một lỗi thuộc quy định trong Hiến chương GHPGVN, trong khi niềm tin của người dân nơi đó vẫn dành cho thầy trụ trì đó, Giáo hội có truất quyền vị trụ trì này được không thưa Thượng toạ?

– Cái này tôi nói sau, còn tuỳ vào nhiều tình huống cụ thể.

Trong lần phát biểu gần đây, trụ trì chùa Ba Vàng có nói sở dĩ chùa Ba Vàng bị báo chí lên án như vậy là do có sự ganh ghét, đố kỵ. Thượng toạ nghĩ như thế nào?

– Thực tế khi xây dựng chùa Ba Vàng, tôi là người ủng hộ số 1. Chính tôi là người ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép cho xây dựng chùa Ba Vàng theo quy mô to hơn. Ngày khởi công, tôi lo Thái Minh không đủ điều kiện kinh tế để xây dựng ngôi chùa to. Lễ khởi công tôi đến dự, tôi thấy mọi người phát tâm công đức vừa độ. Người nào phát tâm công đức hôm đó nhiều nhất là 50 triệu đồng.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng.

Tôi lúc đó vô cùng khó khăn, vẫn còn nợ tiền xây dựng chùa Đồng, nhưng tôi vẫn ủng hộ 100 tấn xi măng. Với tư cách là Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tới dự, phát biểu và kêu gọi nhân dân ủng hộ là quý lắm rồi mà tôi vẫn ủng hộ vì tôi lo cho thầy lắm. Vậy mà chỉ vài năm xây dựng, thầy đã huy động được nhiều nguồn và xây dựng ngôi chùa khang trang to đẹp như bây giờ. Chúng tôi không thể phủ nhận công lao của thầy Thái Minh.

Nhưng, khánh thành xong, tôi thấy thầy Thái Minh có những biểu hiện hơi buồn cười. Thầy mặc, ăn, ngủ một mình một kiểu.

Rõ ràng Phật giáo miền Bắc đang mặc kiểu Bắc Tông, một mình thầy mặc kiểu Nam Tông. Tất nhiên không ai quy định phải mặc như thế này thế kia, nhưng mình đang sinh hoạt Phật giáo ở đâu thì hoà đồng ở đó đi, tại sao phải khác, làm lập dị làm gì, còn bắt hàng trăm phật tử mặc như thế.

Còn nếu thầy thích theo Nam Tông, thầy có thể làm báo cáo đàng hoàng cho Giáo hội xin gia nhập Nam Tông, ai cấm đâu. Như vậy thầy có thể hành đạo, hành lễ theo đúng Nam Tông. Đằng này cứ riêng thầy trò thầy Thái Minh bảo nhau mặc khác như thế.

Thầy Thái Minh cũng mới tu tập thôi, đệ tử theo thầy cũng thế, đã là Phật là Thánh gì đâu mà cứ ăn một ngày một bữa, tối không dám ăn. Đi ăn với toàn bộ tăng ni trong tỉnh cứ một mình một bát, xúc tất cả thức ăn nào rau nào đậu vào bát trộn lên ăn chung. Học trò có người không ăn được, nhưng thầy bắt thì trò phải theo.

Ngủ thì bắt ngủ đất, không cho nằm chiếu, hơi đất lên cảm thì sao, tôi chịu trách nhiệm chứ ai. Ăn đã thế, mặc đã vậy, ngủ thì thế lại còn bắt ra rừng tụng kinh niệm Phật cả đêm. Tôi cũng lo, rắn cắn thì chết.

Chính vì thế mà Phật giáo tỉnh mới có ý kiến lên cơ quan ban ngành một cách có trách nhiệm, để nhiều người động viên thầy Thái Minh làm sao tu tập hoà đồng. Chứ đâu phải như cách của thầy là có thể thành Phật được đâu. Mà mãi vẫn thế đến bây giờ vẫn vậy.

Đương nhiên ngồi dưới gốc cây tu thiền, về lý cũng không sai, không ai cấm. Phật tổ Thích Ca 3000 năm trước cũng ngồi dưới gốc cây bồ đề cơ mà. Nhưng không thể lấy Phật tổ Thích Ca để so sánh với người phàm tục mới tu được. Cho nên đừng có ‘cấu véo’ một vài lời trong kinh Phật để áp dụng một cách cứng nhắc, cuối cùng hỏng cả kinh Phật.

Vì nhắc nhở nên thầy Thái Minh từng sám hối trước Thượng toạ nhiều lần?

– Sám hối thì có. Nhưng thật ra tính thầy Thái Minh lạ, thầy xuất gia muộn, học hành Phật pháp chưa có gì bài bản, chưa qua trung cấp, sơ cấp Học viện. Tính lại thích thể hiện. Nếu thể hiện đúng theo giáo pháp nhà Phật cũng tốt thôi.

Nhưng tại chưa có gốc học hành Phật pháp nên thầy thể hiện theo kiểu nhảy cóc, không đâu vào đâu.

Lúc nào chúng tôi cũng nói thì lại bảo chúng tôi nặng nề, tuổi thầy cũng không kém tôi nhiều, lại được học hành ngoài đời rất bài bản, chúng tôi cũng phải trân trọng, nói vừa vừa thôi. Cũng có lúc thầy sám hối, chuyện sám hối trong nhà chùa thì cũng giống như chuyện xin lỗi ngoài đời ấy.

Câu chuyện chùa Ba Vàng xảy ra, nó ảnh hưởng như thế nào tới Phật tử Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung thưa Thượng toạ?

– Theo tôi nghĩ vẫn phải chờ kết quả cơ quan chức năng vào cuộc. Ảnh hưởng như thế nào tôi cũng chưa thể nói được. Chiều 26/3 tới sẽ có hình thức cụ thể đối với trường hợp ở chùa Ba Vàng, nên tôi chưa thể đưa ra quan điểm gì lúc này.

Cảm ơn Thượng toạ đã chia sẻ!

Theo vietnamnet.vn



[ad_2]

Source link

ALl